Hệ thống giáo dục ở Mỹ (kỳ 2)
(Tiếp theo) Học phí tại các trường đại học Mỹ nói chung rất cao, và học phí ở các trường quản lý, điều hành cho học viên nước ngoài nói riêng lại càng cao hơn.
Trường Babson chằng hạn, với một lớp học sáu ngày theo nội dung chương trình giảng dạy về hiệu quả quản lý và chiến lược mua hàng, thu của mỗi học viên nước ngoài 3.400 đô la.
Trường kinh doanh ở đại học Harvard thu 25.500 đô la/đầu người cho lớp học 11 tuần và 24.000 đô la/đầu người cho lớp học 9 tuần bồi dưỡng cán bộ quản lý cao cấp.
Vào cuối thập kỷ 80, J.B.Fuqua, người đỡ đầu của trường đại học DUKE UNIVERSITY (North Carolina) đã cấp 4 triệu đô la học phí cho 25 cán bộ điều hành Liên Xô cũ học trong 4 tuần, tính ra là 20.000 đô la mỗi tuần cho một học viên.
Hiện nay, các nước châu Âu và Nhật cũng mở khả nhiều trường đạo tạo quản lý, điều hành, nhưng chính các nước này vẫn cho người đi học các trường của Mỹ vì Mỹ là nơi xuất xứ của phương thức quản lý kinh tế hiện đại trên thế giới, và các trường quản lý kinh doanh của Mỹ khá nhạy bén để thường xuyên cải tiến nội dung giảng dạy phù hợp với nhịp điệu của thị trường.
Cũng từ 981 trường đào tạo MBA trong toàn nước Mỹ và nhất là từ 35 trường đã nêu trên, đội ngũ giám đốc xí nghiệp, tổng giám đốc các hãng, công ty, tập đoàn, kể cả các quan chức Nhà nước ở mọi cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đủ năng lực và tầm vóc quản lý bộ máy kinh tế đồ sộ của nước Mỹ.
Đứng đầu trong số 3.600 trường đại học lớn nhỏ của Mỹ, và là cơ sở đào tạo có lịch sử lâu đời nhất của Mỹ, là trường Tổng hợp Harvard ờ Boston, bang Massachusetts. Trường mang tên của John Harvard (1607-1638), người đã tình nguyện cống hiến một nửa gia tài của mình cho nhà trường trước khi qua đời.
Qua 363 năm kể từ ngày thành lập, trường Tổng hợp Harvard vẫn là một trung tâm đào tạo nhân tài số 1 của Mỹ và được cả nước suy tôn là ngôi nhà của những tinh hoa đất nước (The house of elites) rất có uy tín trên các địa hạt khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn. Đến nay, giáo sư và sinh viên cũ tốt nghiệp từ Harvard đã nhận được 35 giải Nobel về các lĩnh vực và 30 giải Pulitzer về báo chí, văn học.
Ngân quỹ của Harvard lên tới 11 tỷ đô la, được dùng để đầu tư vào các lĩnh vực cổ phiếu và bất động sản, thu hàng năm cả mấy triệu đô la chi vào nghiên cứu khoa học và mời các chuyên gia lỗi lạc trên thế giới đến giảng dạy và nghiên cứu tại trường.
Chi phí trung bình mỗi năm cho một sinh viên Harvard lên tới gần 30.000 đô la, nhưng không phải tất cả sinh viên đều phải đóng góp khoản tiền lớn đó, vì đối với các sinh viên nghèo nhưng có quá trình học giỏi thì nhà trường sẽ miễn giảm.
Tại các nước châu Âu, muốn có chỗ làm tốt nhiều khi quyết định là tấm bằng xuất xứ từ trường nào đó.
Vì vậy rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận coi như một khoản đầu tư không có rủi ro, bỏ ra 12 vạn đô la cho bốn năm học để lấy được tấm bằng MBA có giá trị của Harvard. Hiện giờ, tại Harvard có hơn hai vạn sinh viên đang học tập, trong đó 150 sinh viên người Việt. Harvard vẫn được xếp đầu bảng trong những trường nổi tiếng nhất (Top ten) ở Mỹ.
Nhưng ở Mỹ, mọi chuyện không cố định, kể cả danh hiệu số 1 của Harvard. Mới đây, theo hãng tư vấn Mỹ Towers Perrin, tại trường Tổng hợp Pennsylvania, các thạc sĩ tốt nghiệp chương trình quản lý nâng cao Wharton được nhiều công ty đón nhận, với mức lương bình quân 130.000 đô la/năm. Cũng cần nói thêm: Thi tuyển vào các trường đại học có uy tín ở Mỹ là một quá trình vất vả, gay go, chẳng khác gì nộp đơn xin việc ở các hãng. Thường thì số sinh viên được nhận chỉ là 30 – 50 phần trăm số dự tuyển, thậm chí có trường tỷ lệ chỉ là 10 phần trăm.
Vietmytourist.com.vn